Nhắc đến bún cá, người ta thường nhớ ngay đến món bún cá Châu Đốc trứ danh. Chẳng ai biết xuất xứ của món ăn này, chỉ biết rằng bún cá là một món ăn rất được người dân miền Tây yêu thích.
Ai có về miền Tây và một lần ghé thăm An Giang ắt hẳn là khó quên nếu một lần dùng thử hương vị tô bún cá. Không khó chế biến, thế nhưng từ những nguyên liệu này chỉ có ở miền Tây, tô bún lại mang vị đặc trưng của xứ Châu Đốc.
Đầu tiên là nước lèo phải được nấu từ cá lóc đồng. Kế đến, nguyên liệu và gia vị cần thiết để có món bún gồm bột nghệ, tỏi và sả bằm, mắm ruốc và củ ngải bún.
Củ ngải bún dài, có màu vàng nhạt, hình dáng cũng gần giống củ nghệ hoặc gừng. Đây là một loại gia vị khá nổi tiếng của đất nước Campuchia, không có hương thơm nồng như gừng nhưng lại dịu nhẹ và kéo dài. Trong món bún nước lèo của người miền Tây, củ ngải bún là một loại gia vị không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng cho nhiều món ăn.
Để có một nồi nước lèo ngon, người ta có thể cho thêm xương lợn để ngọt nước nhưng nếu đúng vị thì phải nấu với tôm khô và cá lóc thì nước sẽ có vị đậm đà hơn. Khi nêm nước lèo bún cá, bạn không được quên ngãi bún và mắm ruốc, vì đó là gia vị chủ yếu để tạo nên một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất kỳ món ăn nào.
Cá sau khi chín sẽ được vớt ra, lấy phần nạc ướp với gia vị bao gồm sả bằm, tỏi xay và bột nghệ tươi rồi xào sơ cho thấm, sau đó sẽ cho lại vào nồi nước lèo.
Rau sống được ăn kèm gồm rau muống bào, giá, rau thơm, rau chuối, rau nhút… và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi nhưng chỉ khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.
Bún tươi được trụng nước sôi rồi xếp cá vào tô cùng vài miếng thịt heo quay, chả lụa hoặc trứng vịt lộn tuỳ sở thích mỗi người, sau đó chan nước lèo ngập mặt bún. Về Châu Đốc, viếng chùa Bà, du khách được khuyên dùng thử tô bún cá để cảm nhận được cái vị ngon đến thanh tao mà mộc mạc như tấm lòng người dân An Giang.