Nếu một lúc nào đó trong thâm tâm, bạn cảm thấy sếp không ưa bạn, thì đó là lúc bạn nên dành một vài phút để suy nghĩ về hành vi, hiệu quả công việc và những thói quen hàng ngày của mình…
5 lý do sếp ghét bạn
Hãy chú ý xem điều gì khiến sếp cau mày và điều gì làm sếp mỉm cười. Dĩ nhiên, việc này khó hơn làm. Xét cho cùng, nếu bạn biết vì sao sếp không ưa bạn, bạn đã không rơi vào tình huống như vậy.
Tuy nhiên, bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân từ những người cũng đã từng bị sếp ghét. Dưới đây là 5 lý do khiến cấp trên không ưa cấp dưới mà các chính các sếp đã đúc kết từ những trường hợp có trong thực tế. Thử kiểm nghiệm xem bạn có mắc phải sai lầm nào hay không:
1. Bạn hành động như một luật sư
“Có một dạng nhân viên mà tôi không bao giờ có thể lãnh đạo được, đó là những nhân viên hành động như một luật sư”, bà Casey Halloran, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc tiếp thị của công ty du lịch Vacations Costa Rica, cho biết.
Vị sếp này đang nói tới những nhân viên lúc nào cũng thích lôi các điều khoản trong hợp đồng lao động, luật, các quy định… ra để nói chuyện với sếp. Khi được yêu cầu làm một việc gì đó, những nhân viên kiểu này có thể chỉ tay và nói “tôi không được thuê để làm việc này”. Nói cách khác, đây là những nhân viên không có tinh thần đồng đội, lúc nào cũng đặt lợi ích cá nhân nên trên hết.
“Tôi là một vị sếp đầy nhiệt huyết, nên những nhân viên luôn đặt ra câu hỏi về trật tự hay luật lệ là những người tôi chỉ muốn sa thải sớm”, bà Halloran nói.
2. Bạn có thái độ “không thể làm được”
Một kiểu nhân viên khác bị sếp không ưa là những nhân viên “có thái độ tiêu cực thay vì tích cực”, hay còn gọi là thái độ “không thể làm được”, theo ông Edward Carrick, Giám đốc công ty Performance Analysis.
Thái độ của bạn phản ánh bạn sẽ được người xung quanh nhìn nhận như thế nào. Một thái độ tiêu cực chắc chắn sẽ khiến sếp của bạn nhìn nhận bạn một cách tiêu cực. Lời khuyên ở đây là, nếu bạn phải nói điều gì đó không tích cực, hãy nối tiếp chuyện đó bằng một chuyện tích cực hoặc mở ra giải pháp cho vấn đề. Và hãy nhớ mỉm cười.
3. Bạn nói những câu chuyện đùa “vô duyên”
“Trước đây, tôi có một nhân viên luôn kể những câu chuyện vui tục tĩu”, ông Greg Ciotti, Giám đốc marketing của công ty Help Scout, cho biết. “Hầu hết mọi người đều đánh giá cao khiếu hài hước, nhưng khiếu hài hước phải đặt đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, khi đi chơi với bạn bè, ai cũng có thể nói chuyện đùa, nhưng ở cơ quan thì khác”.
Bạn đang muốn thể hiện sự hài hước, nhưng hãy cân nhắc xem câu chuyện của mình có xúc phạm tới ai không? Sếp có thể cảm thấy không thoải mái với sự hài hước của bạn, và điều đó có thể đem lại cho bạn rắc rối.
“Nhiều người thiếu sự nhạy cảm xã hội nên không nhận ra rằng sự hài hước trong môi trường làm việc và bên ngoài khác nhau rất nhiều. Nhân viên mà tôi nhắc tới đã bị sa thải ngay khi kể một câu chuyện đùa quá thô lỗ ở công ty”, ông Ciotti kể lại.
4. Bạn ỷ lại vào người khác trong công việc
Mọi vị sếp đều thích những nhân viên chủ động, tích cực trong công việc. Cùng lắm,họ chỉ muốn đưa ra một số hướng dẫn nhất định để giúp cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Không có gì là khó hiểu khi việc chỉ bảo từng ly từng tí trong công việc sẽ khiến sếp mệt mỏi vì sếp còn rất nhiều việc phải làm khác.
Hãy nhớ, điều sếp trông chờ ở bạn là bạn làm cho công việc của sếp dễ dàng hơn. Khi bạn ‘vẽ thêm việc’ cho sếp, thì chính bạn đang tạo ra rào cản cho sếp và làm sếp khó chịu.
5. Bạn làm việc cầm chừng chỉ đủ để giữ công việc
Theo ông Carrick, Giám đốc công ty Performance Analysis, một dạng nhân viên khác mà ông đã gặp phải và không ưa chính là những người chỉ làm việc ở mức đủ để giữ được công việc.
Sếp của bạn có thể nhìn thấy rõ tiềm năng của bạn hơn những gì bạn nhận ra. Nếu sếp nhận thấy bạn chỉ làm việc cầm chừng ở mức đủ để không bị sa thải, dần dần sếp sẽ không hài lòng với sự thiếu nhiệt tình đó vì sếp biết rõ, bạn có thể làm tốt hơn thế.
Trái lại, các sếp sẽ thích những nhân viên tích cực, năng động và luôn có sự nỗ lực phấn đấu trong công việc. Một lần nữa, sự chủ động và tích cực lại là một chìa khóa để gây thiện cảm với cấp trên.
Giải pháp là gì?
Trong trường hợp bạn không mắc phải sai lầm nào trong số trên, hãy chú ý xem thái độ của sếp với các đồng nghiệp khác. Liệu có phải thái độ lạnh lùng là một phần trong tính cách của sếp và bạn đã lầm tưởng sếp không ưa mình?
Để cải thiện mối quan hệ với sếp và đảm bảo không có lý do gì để sếp không ưa mình, hãy thể hiện sự tôn trọng, thái độ tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc. Còn nếu bạn chẳng may đang có một vị sếp tồi, thì bạn nên cân nhắc tìm một công việc khác.
Cảm ơn đã xem bài viết!