Có hàng trăm ứng cử viên đang tìm việc và vì thế những nhà tuyển dụng ( phỏng vấn ) thường đưa ra những câu phỏng vấn khó để thử thách các ứng viên. Họ sẽ chờ đến khi ứng cử viên phù hợp xuất hiện và đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của họ.
Vì vậy, tránh không mắc những sai lầm và bị cà lăm trong cách diễn đạt để có câu trả lời tự tin, bạn hãy chuẩn bị kĩ lưỡng những câu hỏi tưởng chừng cơ bản nhưng cũng không hề đơn giản dưới đây.
Hãy giới thiệu về bản thân bạn
Đây là cơ hội để bạn tự nói về mình, hãy thể hiện thông tin ngắn gọn, súc tích về bằng cấp, học vấn của bạn, những kĩ năng, kinh nghiệm liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.
Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Hãy chắc rằng bạn đã tự nghiên cứu thông tin công ty, đọc kĩ website công ty và hỏi thông tin những nhân viên tại đó, tên công ty có ý nghĩa gì, văn hóa thế nào và tại sao họ lại thích làm việc tại đó.
Hãy nói về 1 sự phát triển gần đây của thị trường có thể ảnh hưởng đến công ty
Hãy đọc, nghiên cứu về những tin tức ngành, xu hướng để hiểu được bối cảnh ngành.
Bạn sẽ tạo giá trị gì cho công ty chúng tôi?
Hãy nghĩ về vị trí bạn đang ứng tuyển và phối hợp với kĩ năng, kinh nghiệm và học vấn để thể hiện điều bạn có thể làm được theo yêu cầu công việc. Tiến xa thêm một chút, bạn có thể thể hiện mình là một người năng động ở trường đại học hoặc trong công việc trước đây trong tổ chức hoặc luôn dẫn đầu với những sáng kiến giúp tập hợp mọi người cho các hoạt động từ thiện và các hoạt động khác.
Hãy cho tôi một ví dụ bạn đã giải quyết một vấn đề khó khăn trong công việc, bạn đã làm điều đó như thế nào và kết quả ra sao?
Chắc hẳn bạn đã gặp nhiều vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Hãy nghĩ những vấn đề liên quan và kết nối nó với vị trí bạn đang ứng tuyển. Qua đó, bạn có thể thể hiện mình đã vượt qua và xử lý vấn đề như thế nào.
Thành tựu lớn nhất của bạn là gì?
Chắc chắn rằng bạn cũng có rất nhiều thành tích, nhưng hãy lựa chọn những thành tích về thể thao, học vấn, từ thiện hoặc du lịch nhưng phải có sự liên quan đến công việc.
Hãy nói cho tôi về 3 điểm yếu của bạn
Mọi người đều ghét loại câu hỏi này và câu hỏi này có thể được hỏi trong những cách khác nhau để khêu ra điểm yếu của bạn. Hãy tìm cách chuyển đổi điểm yếu của bạn thành một điểm tích cực. Ví dụ: Tôi không tự tin khi đứng nói trước công chúng nhưng tôi đã tham gia một khóa Giao tiếp trong nhóm phản biện hoặc tham gia trình bày trong chương trình Networking để giúp tăng sự tự tin. Nhà tuyển dụng sẽ thấy được những hành động tích cực của bạn đẻ khắc phục điểm yếu.
Tại sao chúng tôi lại phải chọn bạn?
Tránh câu trả lời hiển nhiên như “bởi vì tôi là ứng cử viên tốt nhất cho công việc này”. Hãy lập lại những kĩ năng, kinh nghiệm, học vấn, bằng cách nào bạn sẽ tạo thêm những giá trị cho công ty. Thêm một chút yêu thích trong ngành của bạn dựa trên những nghiên cứu bạn thực hiện. Chia sẻ đồng quan điểm công việc và niềm tin vào dịch vụ và sản phẩm công ty.