Chỉ cần biết rằng riêng thành phố New York (Mỹ) có hơn 1500 Spa đang hoạt động và nhìn vào sự xuất hiện hàng loạt các Spa thuộc nhiềuđẳng cấp ở Việt Nam. Chúng ta cũng có thể hình dung ra tầm mức phát triển của lĩnh vực Spa.
Ngày nay, nói đến du lịch, nghỉ dưỡng hay nói đến khách sạn, resort là nói đến Spa như một lĩnh vực hoạt động đương nhiên phải có, thậm chí bản thân resort cũng là một Spa đúng nghĩa rồi.
Vậy chúng ta hãy cập nhật những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này.
I. SPA LÀ GÌ:
Spa là một lĩnh vực hoạt động phục vụ đối tượng là con người, nhằm phục hồi, chăm sóc con người, mà nội dung của nó bao gồm các phương pháp massage từ cổ điển tới hiện đại, kết hợp với các phương pháp khác như nghỉ ngơi, thư giãn, thể dục thể thao, ăn uống sinh hoạt.v.v… tạo thành một tổng thể phong phú hài hòa các liệu pháp nhằm mục đích chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho con người cả về sức khỏe và sắc đẹp, cả về thể chất và tinh thần.
Về nguồn gốc của danh từ Spa thì có một số giả thuyết mà trong đó có giả thuyết xuất phát từ lịch sử, có giả thuyết xuất phát từ lòng yêu nước và có giả thuyết thì mang nặng tính cạnh tranh thương mại theo cơ chế thị trường.
+ Có thuyết giải thích rằng Spa là tên của một ngôi làng ở Bỉ, nơi mà từ thời Trung cổ người Anh, người La Mã đã tới để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe bằng cách tắm và uống nước ở dòng suối ở đây.
+ Có thuyết cho rằng Spa bắt nguồn từ chữ Espa là tên củ một nơi nghĩ dưỡng có nguồn nước khoáng.
+ Có thuyết cho rằng Spa có thể bắt nguồn từ một từ Latin “Spagere” có nghĩa là nguồn nước nóng phun trào.
+ Có thuyết cho rằng Spa là từ ghép từ các chữ đầu của thành ngữ Latin như “Salus Per Aquam” có nghĩa là chăm sóc sức khỏe bằng nước.
Dù nguồn gốc thế nào hay được giải thích theo cách nào thì nội dung của nó cũng không thay đổi. Theo đó Spa là một nơi có những điều kiện thiên nhiên cơ bản như nguồn nước, nguồn nước nóng, cảnh thiên nhiên thuận lợi kết hợp bổ sung với những điều kiện khác do con người sáng tạo ra như nơi nghỉ ngơi, vui chơi thể thao, thể dục hay massage thư giãn, để chăm sóc phục hồi sức khỏe và tinh thần cho con người.
II. CÁC LOẠI HÌNH SPA:
Các loại hình Spa rất phong phú và đa dạng. Người ta phân loại nó và đặt tên cho nó dựa trên sự so sánh tương đối giữa các loại hình Spa tùy theo địa điểm hay qui mô hoạt động hoặc là căn cứ vào dịch vụ chủ yếu hay đối tượng phục vụ chủ yếu của nó. Tất nhiên sự phân chia chỉ là tương đối vì thực ra ngày nay một Spa dù lớn hay nhỏ đều có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Các loại hình Spa:
+ Spa nghỉ dưỡng (Resort Spa): Khu Spa nằm trong một khu nghỉ dưỡng (resort) hoặc bản thân resort đó là một Spa lớn, đầy đủ các điều kiện cho nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe.
+ Spa khách sạn (Hotel Spa): Là khu Spa nằm trong một khách sạn, có thể phục vụ khách nội bộ hoặc cả khách nước ngoài.
+ Câu lạc bộ Spa (Club Spa): Là các câu lạc bộ cung cấp các dịch vụ Spa như massage và luyện tập thể hình
+ Spa trong ngày (Day Spa): Là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp trong thời gian ngắn như trong một ngày.
+ Spa y tế (Medical Spa): Là nơi chăm sóc và phục hồi sức khỏe dưới sự tư vấn hướng dẫn và theo dõi của nhân viên y tế được đào tạo chuyên ngành.
+ Spa thẩm mỹ (Cosmetic Spa, aesthetic Spa): Là nơi tương tự như các thẩm mỹ viện, chủ yếu cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.
+ Spa nước khoáng: Là nơi có nguồn nước, chủ yếu cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng nước khoáng.
+ Spa suối nước nóng: Là nơi có suối nước nóng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng nước nóng.
+ Spa tại nhà (Home Spa): là Spa được tổ chức tại nhà nhằm cung cấp các dịch vụ cho chủ nhân của nó.
+ Spa ẩm thực (Cuisine Spa): Là nơi chăm sóc sức khỏe bằng các chế độ ăn uống.
Ngoài ra có thể có những loại hình Spa khác nữa tùy theo cách hiểu và cách gọi như Spa sức khỏe (Health Spa), Spa thường trực (Destination Spa), Spa thể hình (Fitness Spa).v.v…
III. NỘI DUNG CỦA SPA:
Tùy theo qui mô, địa điểm, tính chất, mục đích mà từng Spa có thể bao gồm các dịch vụ khác nhau, bao gồm:
+ Các hoạt động thể thao như: golf, tennis, bơi lội, chạy, leo núi, đi bộ.v.v…
+ Các hoạt động phục hồi sức khỏe như: massage, tắm nước khoáng, tắm nước nóng, tắm bùn.v.v…
+ Các dịch vụ y tế như: khám bệnh, điều trị bệnh, theo dõi sức khỏe, nha khoa.v.v…
+ Các chế độ ẩm thực như: ăn kiêng, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.v.v…
+ Các dịch vụ săn sóc thẩm mỹ như: massage thẩm mỹ, săn sóc da, dưỡng da.v.v…
+ Hoạt động giải trí như: văn nghệ, đánh cờ, câu cá, thả diều.v.v…
IV. CÁC TRANG THIẾT BỊ CỦA SPA
Cùng với sự phát triển của các loại hình Spa, các trang thiết bị của Spa cũng ngày càng phát triển nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vì thế chúng ngày càng hiện đại, hữu ích và giá cả phù hợp cho mọi người. Các trang thiết bị được trang bị sử dụng tùy theo qui mô, mục đích và đối tượng phục vụ của mỗi loại hình Spa
XU HUỚNG NGÀY NAY NGƯỜI TA THỐNG NHẤT NHÌN NHẬN LỊCH SỬ CỦA SPA QUA MỘT TIẾN TRÌNH NHƯ SAU:
Danh từ Spa có nguồn gốc từ tiếng Latin.
+ Các Spa đầu tiên do các Hoàng đế Hy Lạp và La Mã cho xây dựng từ năm 25 trước Công Nguyên (25 BC) là những phòng tắm công cộng, tắm bằng nước nóng, dầu thơm để chữa bệnh và thư giãn.
+ Sau đó từ năm 737 sau Công Nguyên (AD 27) người Nhật phát triển Spa và nâng cao bằng sự kết hợp những khu tắm này với nguồn nước thiên nhiên và nghệ thuật vườn cảnh kiểu Nhật.
+ Từ năm 1000 sau Công Nguyên (AD 1000), Spa phát triển mạnh hơn ở Châu Âu nhờ được nghiên cứu phát triển một cách khoa học.
Đặc biệt, sự xuất hiện của kiểu tắm sauna Phần Lan và buồng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù từ năm 1350, các nhà tắm công cộng bị đóng cửa ở châu Âu để ngăn ngừa lây truyền bệnh dịch, nhưng các trung tâm Spa nghỉ dưỡng và chữa bệnh với nguồn nước khoáng thiên nhiên phát triển nhiều nhất là ở Thụy Sỹ, Đức.
Tại Mỹ, từ những năm 1850, Spa bắt đầu phát triển mạnh ở New York, rồi lan ra toàn nước Mỹ, tới năm 1910 có “day Spa” đầu tiên ở New York. Vào những năm 1930 ra đời “destination Spa” đầu tiên ở California. Năm 1958, xuất hiện loại hình “fitness Spa” chuyên về giảm cân nặng và luyện thể hình.
Có thể nói suốt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nước Mỹ trở thành trung tâm Spa của thế giới, luôn luôn dẫn đầu trên tất cả các phương diện của Spa, cả về số lượng, qui mô và loại hình với những cải tiến có tính cách mạng ở cả hình thức kiến trúc và nội dung chất lượng, bằng cách nghiên cứu áp dụng thường xuyên những kỹ thuật mới, những trang thiết bị tiên tiến nhất.
Ngày nay, Spa đã trở thành một ngành kỹ nghệ toàn cầu với doanh số hàng năm đạt trên 15 tỷ USD và đã hình thành một nền văn hóa Spa toàn cầu.