Chưa đầy 10 ngày nữa là đến World Cup 2018, trong khi người dân cả nước đang mong ngóng thì VTV cho biết hiện chưa thể khẳng định việc có hay không có bản quyền phát sóng. VTV tuyên bố sẽ không mua bản quyền World Cup 2018 bằng mọi giá. Điều này hoàn toàn hợp lẽ và nên thế khi mà được một lãnh đạo khẳng định, nếu làm điều ấy nhà đài sẽ lỗ 90%.
Riêng kỳ World Cup này, theo tính toán của VTV, nhà đài này có thể sẽ bị lỗ tới 90% nếu mua bản quyền truyền hình giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh diễn ra tại Nga trong vòng 1 tháng tới. Ở các giải bóng đá lớn trên thế giới như Euro và World Cup, VTV mua bản quyền đều không bù được chi phí bỏ ra. Lỗ khoảng 40-50%.
Giải năm nay chúng tôi ước tính với con số giá được chấp nhận từ phía đối tác thì chúng tôi sẽ lỗ 90%”, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập VTV cho biết. Dù lỗ lớn, nhưng VTV vẫn luôn đàm phán với đối tác trên tinh thần quyết tâm mua bản quyền truyền hình World Cup để phục vụ khán giả, tất nhiên là không mua bằng mọi giá.
“Dù số lỗ như vậy VTV vẫn cố gắng phục vụ, nhưng nếu giá cả tiếp tục tăng nữa thì khó có thể tiếp tục”, ông Hà Nam khẳng định.
Ngay cả như Lào, Campuchia hạn hẹp hơn chúng ta, nhưng cũng đều đã yên vị. Có thể bảo vì họ được FIFA trợ giá, phải chi ít hơn. Tuy nhiên, vì nghèo nên họ chi ít, nhưng cũng đã phải mất một số tiền mà với “người nghèo” thì cũng vẫn là lớn.
World Cup đúng là một món ăn tinh thần trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng để mang món ăn được cả thế giới cùng thưởng thức, về Việt Nam, thì hẳn thuộc về phạm trù kinh doanh. Khi thế giới Internet phát triển, các Website chia sẻ video trái phép và còn rất nhiều hình thức khác trên Internet, những điều này rất khó quản lý.
Trong 4 kỳ World Cup gần nhất, Việt Nam đều mua được bản quyền phát sóng giải đấu, đơn vị đứng ra đàm phán là VTV và FPT. Mức giá bản quyền World Cup 2006 mà Việt Nam đã mua là 2 triệu USD , năm 2010 là 2,7 triệu USD và năm 2014 là 7 triệu USD.
Trước đó theo phụ lục FIFA phát hành ngày 2/6, trong 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ có duy nhất Việt Nam chưa có đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng.
Trong trường hợp không mua được bản quyền World Cup 2018, hình ảnh các trận đấu của giải vẫn có thể xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam nhưng chỉ dưới hình thức bản tin. Đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ không có đơn vị sở hữu bản quyền, muốn khai thác tư liệu hình ảnh World Cup 2018 đơn vị truyền hình phải mua lại gói tin tức từ các hãng thông tấn như Ruptly, SNTV, Perform, AFP hay Reuters…
Ông Nguyễn Hà Nam cho biết quyền hạn của ông không được phép tiết lộ chi tiết về cuộc đàm phán. “Về cơ bản, từ tháng 10 năm 2016, công ty Infront Sports & Media (ISM) có trụ sở tại Singapore đã được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á. Họ đã liên hệ với VTV và các đối tác khác tại Việt Nam để giới thiệu bán bản quyền World Cup 2018.
Cho tới thời điểm hiện tại, cũng đã có đơn vị tại Việt Nam gửi hồ sơ thầu tới đối tác cung cấp bản quyền, tuy nhiên, chỉ ở trên nền tảng OTT (khai thác nội dung trên nền tảng internet). Còn trên truyền hình quảng bá, theo như tôi được biết, không có đơn vị nào khác ngoài VTV đang đàm phán mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 vì mức giá quá cao”, ông Hà Nam chia sẻ.
Trích: www.fifa.com – www.wikipedia.org