Trong quá trình tìm việc, một bản CV hấp dẫn sẽ là “vũ khí” đầu tiên và quan trọng thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, điều này có vẻ khó khăn với những người nhiều tuổi bởi sự cạnh tranh của các ứng viên trẻ trung, năng động hơn.
Thậm chí cả khi nhà tuyển dụng không yêu cầu khắt khe về tuổi tác, những người trên 40 tuổi vẫn được cho là “vượt chuẩn” về kinh nghiệm, kỹ năng, mức lương so với yêu cầu, do đó họ thường bị loại ngay từ “vòng hồ sơ”.
Để có thể giành được cuộc phỏng vấn và thể hiện kinh nghiệm, sự nhiệt tình của mình bất chấp tuổi tác, bạn có thể thực hiện năm bước làm “trẻ hóa” CV dưới đây:
Không liệt kê năm tháng cụ thể
Nhà tuyển dụng thường tìm kiếm sự phù hợp về lĩnh vực bạn được đào tạo, chứ không chú trọng nhiều tới ngày tháng cụ thể bạn tốt nghiệp đại học hay bắt đầu đi làm. Do đó, thay vì viết CV theo thứ tự thời gian, bạn có thể tập trung liệt kê theo khả năng và kỹ năng liên quan tới vị trí tuyển dụng.
Tuy nhiên, hãy lưu ý việc này có thể là con dao hai lưỡi. Nếu bạn không nêu ra ngày tháng cụ thể, nhà tuyển dụng có thể coi bạn là người không có kinh nghiệm làm việc rõ ràng.
Tập trung vào kinh nghiệm thích hợp gần nhất
Hẳn nhiên bạn tự hào với những gì mình đạt được và muốn liệt kê hết thành tựu của mình. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng khi đọc CV của bạn sẽ chỉ hứng thú với kỹ năng và thành tựu liên quan trực tiếp tới công việc. Rất nhiều ứng viên, kể cả người trẻ, mắc phải sai lầm nêu thông tin không thích hợp này.
Chẳng hạn, bạn là nhân viên marketing 50 tuổi và muốn tìm việc quản lý. Bạn từng làm đại biểu quốc hội cách đây 20 năm và bạn rất tự hào vì điều đó. Nhưng dường như điều đó không thích hợp để ghi vào CV cho công việc bạn muốn.
Vì vậy, hãy biết chọn lựa giữa những thành tựu xuất sắc nhất trong thời gian gần đây của bạn để đưa vào CV. Nếu những thông tin, công việc gần đây nhất của bạn không thích hợp và giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng, đừng chần chừ loại bớt chúng.
Nhấn mạnh những công nghệ mới
Trong CV của bạn không nên bao gồm những công nghệ đã lỗi thời như hệ điều hành DOS, máy đánh chữ… Hãy chỉ liệt kê những phần mềm và công nghệ hiện dùng trong lĩnh vực của bạn hoặc tương thích với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ví dụ, bạn là người thiết kế đồ họa và biết chương trình thiết kế Macromedia xRes không còn được sử dụng, vậy bạn không nên lãng phí những khoảng không quý giá trong sơ yếu lý lịch để nói về sự thành thục của mình về xRes.
Gia nhập mạng xã hội
Dù bạn có thích hay không nhưng sự thật là hiện nay nhiều công ty đòi hỏi ứng viên phải biết và sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook và các cộng đồng trực tuyến khác của từng lĩnh vực bởi chúng là kênh kết nối hiệu quả và hữu ích. Thậm chí một số nhà tuyển dụng còn cho rằng nếu bạn không tham gia các mạng xã hội, coi như bạn không tồn tại.
“Cá nhân hóa” CV
Những sơ yếu lý lịch kiểu cũ thường có những từ và cụm từ chung chung, đang mất dần ý nghĩa của chúng do được sử dụng quá nhiều như “hướng tới chi tiết”, ” thành viên của nhóm”, “có trách nhiệm”…
Thay vào đó, bạn nên “cá nhân hóa” sơ yếu lý lịch của mình. Ví dụ, thay vì nói rằng mình là người tỉ mỉ, luôn chú ý tới cả từng chi tiết nhỏ, hãy nêu dẫn chứng cụ thể về tính cách đó giúp ích ra sao cho bạn ở công việc trước. Còn thay thế cho cụm từ “là thành viên trong nhóm”, hãy kể cho nhà tuyển dụng một câu chuyện ngắn về tinh thần đồng đội của nhóm bạn đã góp phần hoàn thành dự án thành công như thế nào.
Ngoài ra, không nên nói với nhà tuyển dụng rằng bạn “có trách nhiệm” cho việc gì đó, hãy nói chính xác những gì bạn đã đạt được. Hãy dùng số và các động từ mạnh để lượng hóa những thành tựu đó.