Nói “nghe lời” tức là theo bác về quê chớ không phải là đồng ý lấy vợ bởi tôi đã có Mai rồi. Bạn gái tôi là dân thành phố chính hiệu, con nhà giàu có, được ăn học đàng hoàng, tôi không cần phải dạy dỗ gì cả.
Nếu yêu Mai, tôi còn có lợi thế nàng là con một nên chắc chắn sẽ chẳng phải lo lắng gì cho cuộc sống tương lai của hai đứa.
Tôi nói “nếu yêu” nghĩa là bây giờ tôi với Mai chỉ là bạn thân. Ở công ty mọi người gán ghép nhưng chúng tôi chưa chính thức thừa nhận yêu nhau. Tôi nghĩ, đây chỉ là vấn đề thời gian chứ thật ra trong thâm tâm tôi đã chấm Mai.
Vậy mà giờ bác cứ khăng khăng bắt tôi lấy vợ ở quê. Khi tôi cằn nhằn thì mẹ tôi lại bênh bác: “Con không
Đổi hướng về quê kiếm bạn bạn đời ” Gái quê hiền lành dễ dạy”
được cãi. Cứ nghe lời bác về dưới xem sao chớ chưa biết mặt mũi người ta mà khen chê là không được”. Thật hết hiểu nổi người lớn.
Thời này là thời nào rồi mà còn muốn ép uổng con cái chuyện hôn nhân? Chẳng lẽ cái thằng tôi 27 tuổi đầu mà chưa đủ khôn ngoan để chọn lựa cho mình một người con gái hay sao?
Tuy không vui nhưng tôi vẫn theo bác về quê, xem như một chuyến dã ngoại bởi cũng lâu rồi tôi không về dưới ấy. Cô gái tên Hương tôi chưa từng biết mặt, biết tên. Nghe đâu không phải gốc gác ở đó mà từ nơi khác chuyển về và là con một người bạn nối khố của bác tôi.
“Bác hai ơi, con nói trước, xấu quá là con không có chịu đâu nghen”- ngồi trên xe, tôi nói với bác. “Xấu vỏ, đỏ lòng còn hơn con à. Bây thấy con gái thời nay không?
Đứa nào cũng ăn diện, đua đòi, nhìn bề ngoài đẹp đẽ nhưng trong ruột thúi hoắc”. Nghe bác nói tôi không nhịn được cười.
Tuy vậy bác đã chọn thì có lẽ Hương cũng có một vài ưu điểm nào đó. Nghe bác bảo Hương làm vườn rất giỏi. Trồng bưởi, trồng cam, chôm chôm, sầu riêng… thứ gì cũng sai trái. Theo bác, điều đó có nghĩa sau này Hương sẽ… mắn đẻ, sinh cho tôi con đàn cháu đống chứ không phải chỉ “thoi loi một mống” như ba mẹ tôi.
Về đến nhà bác đã trưa. Ăn cơm xong, tôi ngả lưng trên bộ ván bên chái nhà. Công nhận ở quê thích thật. Gió mát rười rượi. Cây lá xạc xào. Tôi đánh một giấc tới xế chiều rồi thức dậy bảo thằng cháu dẫn đi chơi loanh quanh.
Thằng nhóc 12 tuổi, không biết có ai dặn trước hay không mà nó dẫn tôi tới vườn trái cây ở giáp ranh với đất nhà bác. Không để tôi kịp hỏi, nó nói ngay: “Trang trại của cô Hương đó chú”.
Tôi giật mình. Khu vườn trước mặt xanh um, mát rượi. Từng chùm chôm chôm xanh đỏ sà xuống, phải lấy nạng chống đỡ. Chung quanh vườn là những hàng dừa thấp lè tè nhưng trái chi chít. Tôi giật mình bởi nếu cô gái ấy là chủ trang trại thì có lẽ không quá khờ để mình muốn “nặn tròn, nặn méo ra sao cũng được” như lời bác nói.
“Cô Hương ơi, có khách tới thăm cô nè”- thằng cháu hét to. Tôi ngó dáo dác: “Có thấy ai đâu mà mày kêu um sùm vậy?”. Thằng nhỏ cười: “Thì con la lên vậy để người ta không tưởng mình là ăn trộm. Thôi chú ở chơi, con dìa đây. Chắc cô Hương ở trong chòi đó…”. Dứt lời, nó đã nhảy chân sáo biến mất.
Tôi ngó quanh. Giờ tôi mới thấy một căn chòi nhỏ ở góc vườn. Tôi ngập ngừng bước tới. Trong chòi, có một người bước ra. Tuy còn xa nhưng tôi biết chắc đó là một cô gái chính là Hương.
Tôi đã đoán đúng. Cô gái trùm chiếc khăn rằn kín mặt, chỉ ló ra đôi mắt. Đến gần tôi, đôi mắt mở to đầy ngạc nhiên. Sau này tôi mới biết không có ai báo cho Hương biết về sự có mặt của tôi nên em cứ tưởng tôi là chủ vựa trên thành phố xuống mua trái cây.
Em hỏi: “Anh muốn lấy chôm chôm hay sầu riêng? Chôm chôm thì em có nhiều nhưng sầu riêng thì chắc chỉ được vài trăm ký”.
Vừa nói, Hương vừa gỡ cái khăn trùm đầu, lau lau mồ hôi trên má. Tôi vẫn đứng như trời trồng. Hương sốt ruột và có lẽ cũng lấy làm lạ nên hỏi lại: “Anh sao vậy?”. Đến lúc đó tôi mới khai thiệt mình là ai. Hương bối rối: “Em không biết. Mời anh vô nhà nghỉ chân”.
Hương đi trước, tôi lúc cúc theo sao. Quái quỷ, dân làm vườn mà sao đẹp dữ vậy? Mắt đen thui, nước da trắng trẻo, môi đỏ mộng…
Hỏng lẽ đi làm vườn mà cũng đánh phấn, thoa son? Vậy là cô này xí xọn lắm đây. Nhưng nếu xí xọn thì làm sao mà làm vườn giỏi như lời bác nói? Trời, mình bị trúng gió hay sao mà ngầy ngật vầy?
Tôi mãi suy nghĩ mà không biết là đã tới sân chòi. Hương vô trong xách ra cái ghế bảo tôi: “Anh ngồi chơi, em lấy nước anh uống”. Tôi không ngồi mà theo Hương vô nhà.
Trong nhà có mấy quài dừa. Hương cầm dao, chặt nhẹ một cái là trái dừa rơi ra, thêm hai nhát nữa là trái dừa đã được vạt xong. Em bưng hai tay mời tôi: “Anh uống đi, dừa này là dừa dứa…”.
Tôi ngửa cổ uống một hơi cái thứ nước vừa ngọt, vừa thơm đến kỳ lạ ấy. “Ngon quá!”- tôi chỉ nói được như vậy. Hồi tôi còn ở dưới này, chưa có thứ dừa ấy nên tôi không biết.
Trên Sài Gòn thỉnh thoảng tôi thấy người ta có bán nhưng chưa bao giờ mua về uống thử. Chờ tôi uống xong, Hương bổ trái dừa làm đôi rồi lấy miếng vỏ dừa vạt mỏng đưa cho tôi.
Tôi nạo từng miếng cơm dừa mềm mại cho vào miệng nhai chầm chậm để thưởng thức cái vị bùi bùi, béo béo, ngọt lịm và thơm phức ấy.
Sau đó câu chuyện của chúng tôi mới bắt đầu. Thì ra Hương là kỹ sư nông nghiệp. “Hồi em thi vào ngành nông học, ai cũng cản vì bảo làm nông dân cực lắm.
Chỉ có cha em là ủng hộ vì cha biết em rất mê làm vườn”. Hương kể cho tôi nghe hồi còn ở bên Phong Điền, nhà cũng có vườn trái cây nhưng không rộng như ở bên này.
“Lúc bác hai rủ về đây, cha em cũng băn khoăn lắm nhưng cuối cùng cũng quyết định bán vườn đất bên kia để về mua bên này cho em thỏa chí làm vườn”- Hương vừa lau mồ hôi vừa kể với tôi y như thể chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm rồi.
Tối hôm đó, bác hai hỏi tôi: “Mày thấy con Hương sao?”. Tôi ngần ngừ: “Dạ, cũng chưa biết thế nào… Nhưng con thấy cổ đâu có khờ? Mà nhìn cổ chặt dừa, chỉ 2 nhát là xong trái dừa còn hơn cả dân chuyên nghiệp, con… ớn quá. Kiểu này không hi vọng gì dạy được đâu”.
Bác tôi cười ha hả: “Bộ mày tưởng tao nói khờ là khờ thiệt hả? Ý tao nói là nó chân quê, chất phát, thật thà… Còn cái chuyện chặt dừa, ai ở vườn mà không chặt được như vậy?”.
Tôi còn ở chơi thêm mấy ngày, còn có dịp chứng kiến và nể phục cô gái nông dân rặt ấy. Thế nhưng bây giờ trong lòng tôi lại có một mối băn khoăn khác. Tôi thấy Hương hơn mình về nhiều mặt. Từ suy nghĩ, lời nói, cách làm việc…
Hương đều chững chạc, khôn ngoan. Chưa kể Hương còn nấu ăn rất ngon, nhất là món cá lòng tong kho tiêu. Chẳng biết kho cách gì mà con cá khô cong, thơm phức, vừa ăn chứ không “chèm nhẹp, mặn chát” như cá mẹ tôi kho. Tôi thấy có vẻ như mình có phần thiên vị Hương…
Tuần rồi, tôi lại về thăm bác. Tiếng là về thăm bác nhưng suốt 3 ngày, tôi chỉ quẩn quanh bên trang trại của Hương để phụ hái chôm chôm, đốn dừa. Tôi nhìn cách Hương làm việc mà thấy nể phục bội phần.
Nhưng tôi cũng rất lo vì trong số mấy tay chủ vựa xuống ăn hàng, tôi thấy có một gã cứ xoắn xuýt bên Hương. Hắn còn nhìn tôi với vẻ khó chịu.
Tôi rất muốn hỏi Hương xem em đã có người yêu chưa nhưng mỗi lần mở miệng lại thấy có cái gì chặn ngang, không nói được.
Mà tôi có quyền gì hỏi Hương chuyện ấy bởi hiện tại, tôi vẫn lấn cấn với cô bạn làm chung công ty. Thật sự tôi không biết mình nên chọn ai giữa hai người con gái ấy. Mọi người đừng cho rằng tôi tính toán thiệt hơn bởi tìm một người để sống chung với mình trọn đời đâu phải dễ…