Chưa bao giờ anh nói với tôi cụ thể về nơi anh ở, việc anh làm, người anh quen… Tôi không biết tìm anh ở đâu. Hay là anh sợ tôi đòi nợ? Chắc chắn là tôi không đòi bởi nợ ân tình của tôi anh làm sao mà trả nổi?
Lãnh tháng lương đầu tiên, tôi đạp xe mười mấy cây số lên bưu điện huyện để gởi cho Long. Lên tới nơi thì người ta bảo hết giờ làm việc, tôi lóc cóc đạp về. Sáng hôm sau không có tiết dạy, tôi lại đạp xe mấy chục cây số đi về để gởi tiền cho người yêu.
Chắc là anh sẽ hạnh phúc lắm vì tôi đã làm được điều mà mình tâm niệm: Hi sinh ước mơ của mình để vun đắp ước mơ vào giảng đường đại học của người tôi yêu. Tương lai của Long cũng chính là tương lai của tôi bởi tình yêu của hai đứa đã được vun đắp bằng những tháng năm bên nhau từ những ngày thơ bé.
Phải thi đến lần thứ ba, Long mới đậu đại học. Khi tên anh được đăng báo, cả làng mừng vui. Ai cũng khen anh có chí thì nên. Sau này làng mình có một người làm bác sĩ, bà con bệnh hoạn có người chữa trị, không phải đi đâu xa xôi.
Khi Long vào đại học thì tôi cũng xong 2 năm cao đẳng sư phạm. Tôi tình nguyện về một xã vùng sâu với hi vọng sẽ có thêm một khoản phụ cấp để nuôi anh ăn học.
Và lần đầu tiên được cầm những đồng tiền lương giáo viên của mình, tôi không nghĩ đến cha mẹ, cũng không nhớ đến anh em. Người tôi nghĩ đến trước tiên và duy nhất là Long. Thậm chí, khi ký tên vào tờ hóa đơn chuyển tiền của bưu điện, tôi đã nghẹn ngào muốn khóc. Cả ngày hôm đó lòng tôi lâng lâng và đêm về tôi không ngủ được.
Tôi đã vun đắp biết bao ước mơ hi vọng cho tình yêu và sự hi sinh của mình. 6 năm đại học của Long rồi cũng qua đi. Nó chẳng hề nhẹ nhàng đối với tôi bởi đó là những tháng ngày đầy lo toan. Ngoài giờ dạy ở trường, lúc rảnh rỗi tôi lại theo bà con ra biển lựa cá, vá lưới để có thêm chút ít thu nhập.
Suốt những tháng năm dài, bữa ăn của tôi chỉ là những con cá biển lượm được hoặc bà con cho. Cá tươi ăn không hết, tôi phơi khô, làm mắm để ăn dần. Toàn bộ tiền lương lãnh ra hôm trước thì hôm sau đã được tôi ra bưu điện gửi về một địa chỉ quen thuộc ở TP HCM. Chỉ duy nhất một lần cha tôi bị bệnh thì tháng đó tôi mới gửi thơ xin Long cho phép tôi lấy khoản tiền đó lo thuốc men cho cha.
Có thể nói đó là những tháng năm nhọc nhằn nhưng tràn đầy niềm tin, hi vọng và hạnh phúc của tôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến hè thì Long lại về. Anh ở bên tôi suốt những ngày hè ngắn ngủi. Có lần anh bảo: “Nếu không có em thì anh không bao giờ có ngày hôm nay. Suốt đời anh không bao giờ quên những gì em đã làm cho anh. Nếu có cơ hội, anh sẽ bù đắp cho em”.
Tôi đâu cần anh bù đắp mà chỉ mong anh thỏa ước nguyện và giữ mãi tình yêu dành cho tôi. Giờ thì anh đã thỏa ước nguyện. Nhưng anh không về quê như ước mong của tôi và bà con làng xóm. Anh ở lại Sài Gòn với lý do “ở đó anh mới có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Khi nào ổn định, anh sẽ đón em lên để sau này con mình có được môi trường sinh sống, học tập tốt hơn”.
Tất nhiên là tôi nghe lời anh dù trong lòng không vui bởi điều đó có nghĩa là tôi vẫn phải tiếp tục đợi chờ. Anh vẽ ra viễn cảnh quá xa trong khi mơ ước của tôi thì thật gần. Tôi chỉ cần một cái đám cưới để tôi chính thức là vợ anh, vợ một ông bác sĩ.
Nhưng anh không hề nói với tôi là bao giờ ngày ấy sẽ diễn ra mà chỉ bảo rằng đã được một người quen giới thiệu vào tập sự ở một bệnh viện lớn. Anh làm việc hầu như không công nhưng vẫn phải cố gắng chứng tỏ năng lực để khi có cơ hội thì được chính thức nhận vào. Mọi thứ đối với tôi đều mù mờ. Điều duy nhất tôi biết rõ là giờ đây anh không cần tiền của tôi nữa mà đã có một khoản tài trợ khác.
Trong một lần về thăm nhà, má tôi nói: “Tao coi bộ thằng Long nó thay đổi rồi nghen bây. Nói học xong về cưới, bây giờ học xong mấy năm rồi mà vẫn không chịu cưới là sao?”. Chính tôi cũng không biết trả lời thế nào. Mỗi lần tôi nhắc chuyện cưới thì Long lại nói tránh đi: “Bây giờ mà cưới thì bao nhiêu dự tính của anh sẽ tan thành mây khói”.
Niềm tin của tôi đã bắt đầu bị lung lay. Năm nay tôi đã 30 tuổi, trong khi ở quê tôi, con gái mười tám, đôi mươi đã lấy chồng. Mấy hôm trước, anh hiệu trưởng nói với tôi: “Em nên nói chuyện dứt khoát với Long. Anh nghĩ cậu ấy đã thay đổi. Gì thì gì cũng phải nói cho rõ ràng để lỡ làng duyên con gái của người ta”.
Tôi biết anh hiệu trưởng có ý với tôi nhưng trước giờ anh cũng biết rõ chuyện giữa tôi với Long nên không nói gì. Giờ anh đã nói thì có lẽ anh cũng linh cảm giống như tôi.
Thế nhưng tôi gọi cho Long không được. Anh không nghe máy. Tôi nhắn tin cũng không thấy trả lời. Hay là tôi lên Sài Gòn tìm anh một chuyến để nói rõ ràng mọi chuyện? Chia tay hay tiếp tục thì cũng phải nói với nhau một lần rồi đường ai nấy đi.
Tôi muốn gặp anh nhưng thật sự tôi không biết tìm anh ở đâu? Từ ngày ra trường, chưa bao giờ anh nói với tôi cụ thể về nơi anh ở, việc anh làm, người anh quen… Hay là anh sợ tôi đòi nợ? Chắc chắn là tôi không đòi bởi nợ ân tình của tôi anh làm sao mà trả nổi?
Các bạn có thể tham khảo thêm nhiều điều thú vị tại tham my vien , dieu tri nam, phun moi và triet long